Hoàng tử bé chương 15


CHƯƠNG XV

Người dịch: Châu Diên

Đánh máy: anhngocle (Blog homnayvangaymai.wordpress.com)

Ghi rõ nguồn và dẫn link nếu các bạn muốn mang bản type này sang các diễn đàn, blog…khác. Xin cảm ơn.

Hành tinh thứ sáu mười lần to rộng hơn mấy hành tinh kia. Cư dân trên hành tinh này là một ông già đáng kính chuyên viết ra những quyển sách dầy cộp.


-Kìa! Kia đúng là một nhà thám hiểm! – ông nói khi nhìn thấy chú hoàng tử bé nhỏ.
Chú hoàng tử bé nhỏ ngồi lên trên bàn và thở dốc một chút. Chú đã đi biết bao nhiêu là đường đất rồi mà!
Ông già hỏi chú:
-Anh bạn trẻ từ đâu tới vậy?
Chú hoàng tử bé nhỏ nói:
-Cái quyển sách to tướng kia là sách gì vậy? Cụ làm gì ở đây ạ?
Ông già nói:
-Ta là nhà địa lý học.
-Nhà địa lý học là gì ạ?
-Là một nhà bác học biết rõ ở đâu có biển, có sông, có thành phố, có núi và có hoang mạc.
-Cái này hay đấy – chú nói. Suy cho cùng đây mới đúng là một nghề!
Nói xong chú nhìn quanh hành tinh của nhà địa lý học. Chú chưa từng thấy một hành tinh nào tráng lệ như thế.
-Hành tinh của cụ đẹp thật. Chỗ cụ ở đây có đại dương không ạ?
Nhà địa lý học nói:
-Ta không thể biết được điều đó.
-À há (Chú hoàng tử bé nhỏ thấy thất vọng). Thế còn núi?
Nhà địa lý học nói:
-Ta không thể biết được điều đó.
-Thế thành phố, sông ngòi và hoang mạc?
-Ta cũng không thể biết được nốt.
-Nhưng cụ là nhà địa lý học kia mà!
-Chính xác, nhưng ta không phải nhà thám hiểm. Ta hoàn toàn thiếu những nhà thàm hiểm. Đâu có phải nhà địa lý học đi đếm xem có bao nhiêu thành phố, bao nhiêu sông ngòi, núi non, bao nhiêu biển và mấy đại dương. Nhà đại lý học có vai trò quá quan trọng nên không thể lang thang vơ vẩn cho được. Nhà địa lý học không bao giờ rời bàn giấy của mình. Nhưng ông ta tiếp các nhà thám hiểm. Ông hỏi han họ và ghi chép những gì họ kể. Và nếu trong những lời kể đó nhà địa lý thấy có chỗ nào thú vị, ông ta tổ chức điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm.
-Sao lại làm thế?
-Vì nếu một nhà thám hiểm mà lại nói dối, thì sẽ kéo theo vô vàn hiểm họa cho các sách địa lý. Và một khi có nhà thám hiểm nào mà lại uống quá chén…
Chú hoàng tử bé nhỏ hỏi:
-Sao lại thế?
-Vì say rượu thì cái nọ nhìn xọ thành cái kia. Thế là ông địa lý học lại ghi vào sách hai quả núi khi ở chỗ đó đúng là chỉ có mỗi một quả…
-Cháu biết một người, ông ấy mà đi thám hiểm thì chỉ có thể là nhà thám hiểm tồi.
-Có thể lắm. Vậy là nếu biết chắc đạo đức của nhà thám hiểm là tốt rồi, khi đó sẽ tổ chức điều tra về những điều ông ta tìm thấy.
-Đến tận nơi mà xem?
-Không, thế thì quá phức tạp. Nhưng người ta bắt nhà thám hiểm đem về những viên đá to tướng.
Nói một hồi, bỗng nhà địa lý học thấy chán :
-Anh bạn nhỏ, anh bạn đến từ nơi xa! Chắc anh bạn phải là một nhà thám hiểm! Anh bạn mô tả hành tinh của anh bạn ra sao đi.
Nhà địa lý vừa nói vừa mở cuốn sổ to tướng, rồi gọt bút chì. Ban đầu người ta vẫn ghi những lời kể của các nhà thám hiểm bằng bút chì. Sau khi nhà thám hiểm cung cấp chứng cứ, người ta sẽ ghi lại bằng bút mực.
-Kể đi chứ?
-Ôi chao, ở hành tinh của cháu, chẳng có gì thú vị cả – chú hoàng tử bé nhỏ nói – nó bé tí tẹo ấy mà. Cháu có ba quả núi lửa. Hai núi lửa đang hoạt động, một đã tắt. Nhưng biết đâu là chừng…
-Biết đâu là chừng – nhà địa lý học nói.
-Cháu cũng có một bông hoa.
Nhà địa lý học nói:
-Chúng tôi không ghi lại các thứ hoa.
-Không thế được! Thế là không đẹp!
-Vì hoa là loài mang tính phù du.
-“Phù du” nghĩa là gì?
Nhà địa lý học nói :
-Các sách ghi chép về địa lý, là những sách quý giá nhất trong các loại sách. Sách địa lý học không bao giờ lạc hậu cả. Vì hiếm khi một quả núi lại chuyển chỗ.  Hiếm khi có đại dương nào lại hết nước. Chúng ta ghi lại những điều vĩnh cửu.
Chú hoàng tử bé nhỏ cắt lời ông già:
-Nhưng núi lửa tắt có thể bùng dậy…Vậy “phù du” nghĩa là gì?
-Với chúng ta núi lửa dù đã tắt hoặc bùng dậy đều có giá trị như nhau – nhà địa lý học nói – Quan trọng với chúng ta ở chỗ núi lửa cũng là núi. Núi bao giờ cũng không thay đổi.
-Vâng, nhưng “phù du” nghĩa là gì? – Chú hoàng tử bé nhỏ nhắc lại, chú là người suốt đời hễ đã ra câu hỏi là không khi nào bỏ đó.
-Có nghĩa là “cái gì đó bị đe dọa sắp tiêu tan”.
-Bông hoa của cháu bị đe dọa sắp tiêu tan ư?
-Hẳn là vậy rồi.
”Bông hoa của ta có tính chất phù du,” chú hoàng tử bé nhỏ ngẫm nghĩ, “và nàng chỉ có bốn cái gai bé nhỏ để tự vệ chống chọi mọi thứ trên đời! Mà ta lại bỏ em ở nhà mà đi!”
Đó là lần đầu tiên chú thấy ân hận. Nhưng chú lấy lại sự dũng cảm. Chú hỏi:
-Cụ khuyên cháu đi thăm thú nơi nào nữa đây?
-Đến thăm hành tinh Trái đất ấy – nhà địa lý học đáp lại. Hành tinh này nổi tiếng lắm.
Thế là chú hoàng tử bé nhỏ ra đi, trong lòng vẫn nghĩ ngợi hoài về bông hoa của chú.



Leave a comment